Theo ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, lý do xin lùi thời gian là “để có thời gian lo tiền” và “không điều chỉnh, để chậm tiến độ thì không đúng quy định”.
HĐND tỉnh Nam Định mới đây công bố Nghị quyết kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa 18, về việc chấp thuận Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định, do UBND tỉnh trình…
Theo nội dung Nghị quyết, HĐND tỉnh Nam Định chấp thuận điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án đến năm 2024, thay bằng đến năm 2020 như cấp có thẩm quyền đã phê duyệt.
Trước đó, vào ngày 1/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2095/QĐ-TTg, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định.
Theo Quyết định, Dự án do UBND tỉnh Nam Định làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 734,350 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương (Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa) hỗ trợ không quá 149 tỷ đồng; ngân sách địa phương 349 tỷ đồng; các nguồn vốn hợp pháp khác hơn 263 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm, từ năm 2016 đến năm 2020.
Tại Nghị quyết chấp thuận trên, HĐND tỉnh Nam Định giao UBND tỉnh chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục để trình các bộ, ngành Trung ương thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Về lý do xin kéo dài thời gian hoàn thành dự án thêm 4 năm, thông tin với PV Đại Đoàn Kết Online, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết ngắn gọn là: “để có thời gian lo tiền” và “không điều chỉnh, để chậm tiến độ thì không đúng quy định”.
Theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết Online, tại công trường thi công Khu Trung tâm lễ hội, ở thời điểm giữa năm 2020-năm cuối hoàn thành dự án theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các hạng mục thi công đều trong tình trạng dang dở, nhiều hạng mục chưa được triển khai…
Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 15 năm trước, tại Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg ngày 12/10/2005, tổng kinh phí thực hiện gần 1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nhất là do những vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, khiếu kiện kéo dài, do thiếu kinh phí…nên trong nhiều năm sau đó Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ chậm được triển khai, triển khai “nhỏ giọt”; một diện tích đất lớn chính quyền tỉnh Nam Định thu hồi của người dân địa phương phục vụ việc xây dựng Khu khu trung tâm lễ hội bị bỏ hoang trong nhiều năm…
Đến ngày 1/11/2016, Dự án đầu tư xây dựng Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư (Quyết định số 2095/QĐ-TTg), thời gian hoàn thành vào năm 2020.
2 năm trước, vào ngày 25/1/2019, Dự án được UBND tỉnh Nam Định tổ chức khởi công. Hiện tại, như đã phản ánh, tỉnh đang làm thủ tục xin kéo dài thời gian hoàn thành dự án thêm 4 năm…
Theo quyết định Quyết định số 2095/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu đầu tư dự án xây dựng Khu Trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử-văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định gồm: Hoàn thành Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử – văn hóa thời Trần tại tỉnh Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 252/2005/QĐ-TTg ngày 12 tháng 10 năm 2005; tạo tiền đề cho việc lập hồ sơ đề nghị công nhận quần thể khu di tích quốc gia đặc biệt thời Trần tại tỉnh Nam Định là di sản văn hóa thế giới.
Xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ cảnh quan và hoàn thiện cơ sở vật chất góp phần gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của quần thể khu di tích trong bối cảnh xã hội mới; qua đó phát huy truyền thống yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ người Việt Nam.
Hình thành một điểm du lịch đặc sắc cho du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan, nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa thời Trần; điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phù hợp với ước nguyện của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Nam Định trong thời gian tới.