Nguyễn Tiên Tiến là sinh viên năm cuối Viện Cơ khí động lực, chuyên ngành Động cơ đốt trong, ĐH Bách khoa Hà Nội. Yêu thích ngành Cơ khí, từ thời cấp ba, Tiến mong muốn trở thành sinh viên của trường.
Hai năm trước, ý tưởng chế tạo xe rác tự lái đến với nam sinh tình cờ. Thấy chị lao công vất vả thu gom rác trên đường phố, cậu sinh viên muốn làm điều ý nghĩa.
Tiến cùng 3 bạn trong nhóm là Dương Anh Minh (K60), Lê Chí Tuyền (K65), Trịnh Cao Dũng (K58) thực hiện dự án thay thế xe rác đẩy tay bằng xe điện sử dụng tay ga, có công nghệ hỗ trợ định vị lái bằng la bàn.
Nhận được sự ủng hộ và góp ý của thầy giáo, nhóm quyết tâm hoàn thiện sản phẩm. Nam sinh đi khảo sát thực tế, phỏng vấn lao công để tìm phương án triển khai.
“Có những ngày nắng, chúng mình đứng cả buổi ở bãi rác để tìm hiểu, đo đạc kích thước xe, lập bản vẽ“, Tiến nói.
Tháng 9/2019, cả nhóm bắt tay thực hiện dự án. Xuất thân từ khoa cơ khí nhưng chưa có kiến thức sâu về điện học, cả nhóm phải đi thực tế trong nhiều ngày, đến từng quán xe điện, quán bán đồ điện để tìm hiểu.
Khó khăn chồng chất khi các thành viên phải tính toán phương án thiết kế mô hình sao cho không thay đổi kích thước, ảnh hưởng tới thùng xe, chịu đựng tốt thời tiết.
Tháng 5 vừa qua, sản phẩm được hoàn thiện. Tính ứng dụng và hiệu quả cao là những yếu tố giúp chiếc xe rác tự động đạt giải nhất cấp bộ môn, giải nhì cấp trường, giải ba cuộc thi bình chọn online.
Tiến cho biết trong thời gian tới, sản phẩm tiếp tục cải tiến, tham gia cuộc thi Sáng tạo trẻ Bách Khoa.
“Kỹ thuật khoa học không áp dụng nhiều, nhóm mình đề cao yếu tố nhân văn. Sản phẩm làm ra tuy chưa sản xuất đại trà, niềm hy vọng lớn nhất chỉ mong lan tỏa thông điệp tới các bạn trẻ: Hãy tiếp tục phát minh, sáng tạo ra những sản phẩm giúp ích cho môi trường, cộng đồng”, nam sinh nói.
Thành công sau sản phẩm đầu tiên, Tiến có thêm động lực tìm hiểu nhiều hơn về khoa học kỹ thuật. Tự nhận bản thân không phải mọt sách, Tiến từng có thời gian “chật vật” với kết quả học tập không mấy khả quan.
“Hết năm 2 mình đặt ra mục tiêu tăng điểm số, đặt ra mục tiêu ra trường với tấm bằng khá, giỏi. Mình thay đổi phương pháp học, sắp xếp hợp lý. Gần thi mình sẽ tập trung ôn luyện nhiều hơn”, Tiến chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp Bách Khoa, nam sinh dự định học tiếp lên thạc sỹ, tìm hiểu chuyên sâu về cơ khí động lực.
Theo VTC